Sau Apple, Samsung và Asus cũng ra mắt tính năng emoji trên sản phẩm của mình. Tuy có nhiều điểm khác nhau nhưng yếu tố quan trọng của emoji vẫn là cảm xúc và khả năng chia sẻ.
Emoji bắt nguồn từ trào lưu dùng các ký tự để bày tỏ cảm xúc trên di động vào cuối những năm 90 ở Nhật Bản. Trong tiếng Nhật từ "emoji" gồm hai yếu tố, "e" (bức tranh) và "moji" (văn tự). Emoji được hiểu là những ký tự, biểu tượng diễn tả cảm xúc, sử dụng trong tin nhắn văn bản.
Cuối năm ngoái, Apple vừa giới thiệu đến người dùng tính năng Animoji. Tuy vẫn còn hạn chế về khả năng ứng dụng, Animoji mở ra một hình thức biểu tượng cảm xúc rất mới khiến các hãng điện thoại khác cũng ráo riết áp dụng.
AR Emoji có khả năng tuỳ biến đa dạng hơn Animoji.
Tuần qua, cùng với việc ra mắt Galaxy S9, Samsung cũng giới thiệu tính năng AR Emoji lần đầu xuất hiện trên những mẫu điện thoại của Samsung. Ngoài ra, Asus cũng vừa ra mắt ứng dụng Zenimoji, cho thấy emoji hứa hẹn trở thành xu hướng công nghệ trong năm 2018.
AR Emoji tuỳ chỉnh tốt hơn
Trong khi iPhone X tích hợp Animoji bên trong ứng dụng tin nhắn mặc định thì Galaxy S9 nằm bên trong ứng dụng camera.
Với Animoji, người dùng chỉ cần vào tin nhắn, chọn người liên lạc, sau đó sử dụng ngay tính năng này. Thời gian để tạo một biểu tượng emoji trên iPhone X chỉ 10 giây. Nếu không lưu lại, emoji này chỉ tồn tại trong tin nhắn đã gửi đi.
Người dùng có thể tạo hàng loạt nhân vật 3D ngay trên camera.
Ngược lại, AR Emoji trên Galaxy S9 lại có thời gian tạo lâu và phức tạp hơn. Người dùng mất ít nhất 30 giây để chụp ảnh gương mặt, lựa chọn giới tính, áo quần, màu da, phụ kiện. Tuy nhiên những emoji này sẽ được tự động lưu lại trong bộ sưu tập với định dạng gif và được cập nhật thẳng vào sticker bàn phím.
Nguyên tắc hoạt động
Trong buổi ra mắt iPhone X, Apple nói rằng Animoji tận dụng hệ thống camera trước TrueDepth. Công nghệ này trang bị các cảm biến 3D để phát hiện các biểu hiện trên gương mặt người dùng. Camera TrueDepth phân tích hơn 30.000 chấm vô hình, được chiếu lên gương mặt để có được bản đồ độ sâu, từ đó nó biên dịch lại một cách chính xác chuyển động trên gương mặt vào bộ Animoji kia. Đây là lý do mà Animoji chỉ hoạt động được với camera trước.
Tuy vậy nhân vật trên Animoji lại có cảm xúc tốt hơn AR Emoji.
Với AR Emoji, Samsung sử dụng camera nhận diện gương mặt đơn thuần. Người dùng tạo một ảnh chụp và được S9 phân tích, tái tạo thành nhân vật 3D. Vì vậy tính năng này hoạt động trên cả hai camera trước và sau.
Animoji 'thần thái' hơn
Chính vì sử dụng công nghệ TrueDepth nên Animoji trên iPhone X cho kết quả rất tốt. Các chuyển động từ môi, mắt, chân mày đều rất mượt mà, chính xác. Animoji làm rất tốt việc tái hiện cảm xúc, yếu tố quan trọng nhất của một biểu tượng emoji.
Trong khi đó, nhân vật của AR Emoji lại có các chuyển động khá "ảo", không diễn tả tốt cảm xúc. Đa phần người dùng đều có nét gì đó giống người Hàn. Nhân vật do AR Emoji tạo ra cũng chưa thật sự có được nét riêng để phân biệt từng người dùng. Thậm chí người dùng không thể nhận ra đâu là hình ảnh của mình. Thêm nữa, độ chi tiết của emoji trên S9 không sắc nét như trên Animoij của iPhone X vì quá nhiều đường nét phức tạp, khó tái tạo.
Ngoài ra, iPhone X cung cấp 12 nhân vật emoji nhưng thiếu mất nhân vật quan trọng là chính người dùng. Trong khi đó, Samsung sử dụng chính hình ảnh 3D của người dùng để làm emoji, tuy nhiên kho nhân vật có sẵn của họ lại khá hạn chế.
Khả năng chia sẻ
AR Emoji trên Galaxy S9 vượt trội hơn ở khả năng ứng dụng vào thực tế. Sau khi tạo emoji, máy sẽ tự động lưu tất cả các trạng thái cảm xúc vào bộ sưu tập với định dạng gif. Người dùng có thể gửi cho bạn bè, người thân qua rất nhiều nền tảng nhắn tin.
Những sticker này được tích hợp trên bàn phím của Galaxy S9.
Ngoài ra, Samsung còn tích hợp bộ sticker này vào bàn phím của máy, người dùng có thể nhập trực tiếp emoji từ đây bất cứ lúc nào.
Không chỉ có emoji, người dùng còn có thể tạo dáng chụp ảnh, quay phim trên ứng dụng camera với nhân vật 3D được tạo.
Trên iPhone X, người dùng chỉ có thể tạo một video tối đa 10 giây và chỉ được lưu lại khi tin nhắn đã gửi. Hạn chế "chết người" này khiến việc sử dụng Animoji không được phổ biến.
Theo: zingnews